Sự thay đổi Joint line sẽ dẫn đến kết quả kém hơn về lâm sàng được nhiều tác giả ghi nhận. Thay đổi Joint line có thể gặp trong cả các ca thay khớp gối lần đầu nhưng thường gặp hơn trong thay lại khớp gối, khi mà tổn thương khuyết xương gặp trong hầu hết các trường hợp. Thay đổi Joint line có thể có 2 hướng: lên cao hoặc xuống thấp. Mục tiêu của phẫu thuật nhằm mục đích đưa Joint line về vị trí bình thường.
Vậy Joint line là gì? Có thể hiểu joint line là đường kẻ đi qua phần xa nhất của lồi cầu trong và ngoài xương đùi trên mặt phẳng đứng ngang hay là đường thẳng kẻ qua phần xa nhất của xương đùi vuông góc với trục giải phẫu của xương đùi trên mặt phẳng đứng dọc. Khái niệm tuy đơn giản vậy nhưng vấn đề quan trọng hơn là hiểu vị trí tương quan của Joint line trong không gian và thường được liên tưởng so sánh với mặt đất hoặc của khớp bên đối diện (nếu bình thường) và từ đó, có thể xác định Joint line của khớp gối nhân tạo sau mổ là bình thường, cao hay thấp.
Joint line lên cao thường liên quan đến việc cắt xương quá mức của đầu xa lồi cầu đùi, nguyên nhân thường gặp có thể do mất xương đùi nhiều quá trong các trường hợp thay lại khớp gối hoặc do co rút phần mềm nhiều dẫn đến xu hướng có thể tăng lát cắt đầu xa xương đùi để cố gắng đạt được duỗi gối tối đa (1 yếu tố khá quan trọng đảm bảo kết quả sau mổ tốt).
Trong và sau phẫu thuật, việc xác định Joint line bình thường của khớp gối khá khó khăn, đặc biệt trong các trường hợp thay lại khớp gối do thiếu hụt xương. Thông thường các phẫu thuật viên phải dựa trên các mốc giải phẫu gián tiếp như: mỏm trên lồi cầu trong (cách Joint line khoảng 30mm); mỏm trên lồi cầu ngoài (25mm); chỏm xương mác (10-15mm) theo 1 số nghiên cứu. Việc xác định khoảng cách tương quan giữa các mốc giải phẫu gián tiếp và Joint line có thể được xác định trên việc chụp phim chân đối diện. Ngoài ra, 1 mốc giải phẫu phần mềm nữa có thể sử dụng nhưng thường trong các trường hợp thay đi, đó là diện bám của sụn chêm vào bao khớp.
Hình ảnh mốc giải phẫu sụn chêm sử dụng để xác định joint line trong phẫu thuật thay khớp gối lần đầu. Nguồn Internet
Sự thay đổi joint line thường gặp nhất là joint line bị lên cao, tình trạng này làm cho vị trí xương bánh chè xuống thấp tương đối so với joint line, do gân bánh chè có chiều dài cố định, sự thay đổi tương quan đó sẽ ảnh hưởng lên cơ chế duỗi gối dẫn đến đau và hạn chế biên độ vận động của khớp gối. Trong nghiên cứu của Figgie thấy rằng, sự thay đổi joint line lớn hơn 8mm sẽ làm biên độ gối của bệnh nhân giảm và tăng triệu chứng đau của khớp bánh chè lồi cầu. Do bánh chè bị xuống thấp tương đối so với joint line, xương bánh chè có thể bị cọ xát vào phần trụ chống trật của miếng đệm mâm chầy và do đó có thể gây triệu chứng đau và mài mòn miếng đệm nhân tạo.
Joint line lên cao còn làm cho cân bằng khoảng giữa chu trình chuyển động khớp gối bị giảm do đó gối bị lỏng khi gấp nửa chừng (midflexion laxity) mặc dù ở vị trí duỗi thẳng và gấp 90 độ thì gối vững, tình trạng lỏng gối này làm ảnh hưởng đến khả năng vận động của gối và tăng nguy cơ trật khớp gối nếu mức độ lỏng gối nhiều.
Để đánh giá joint line sau phẫu thuật thay khớp gối, chúng ta có thể dựa vào các mốc giải phẫu liền kề và xác định khoảng cách từ mốc giải phẫu đó đến joint line của khớp: mỏm trên lồi cầu trong (ME); mỏm trên lồi cầu ngoài (LE); mỏm trên lồi cầu trong (MF); mỏm trên lồi cầu ngoài (LF); lồi củ chầy (TT) hoặc khớp chầy mác trên (PTFJ).
Hình ảnh minh hoạ Joint line và các mốc giải phẫu gián tiếp để xác định trên lâm sàng. Nguồn: Internet
Mặc dù Joint line được nhắc đến nhiều hơn trong các phẫu thuật thay lại khớp gối tuy nhiên, kiểm soát Joint line trong phẫu thuật thay khớp gối lần đầu cũng rất quan trọng, giúp cho kết quả phẫu thuật được tốt hơn, cần đặc biệt lưu ý những trường hợp có biến dạng nặng, co rút phần mềm nhiều hoặc khuyết xương lớn của xương đùi hoặc mâm chầy.
PGS. TS Trần Trung Dũng (tổng hợp)