Năm 1944, McLaughlin đã giới thiệu kỹ thuật khâu xuyên xương (transosseous suture) trong phục hồi chóp xoay rách. Vào thời đó, phẫu thuật vẫn thực hiện qua mổ mở. Đối với các tổn thương chóp xoay, như chúng ta đã biết (chủ yếu do nguyên nhân hẹp khoang) bên cạnh việc tạo hình khoang giải quyết nguyên nhân thì phẫu thuật khâu phục hồi gân cũng có vai trò hết sức quan trọng. Lý tưởng của việc phục hồi gân là khâu lại được gân rách và gân rách liền. Kỹ thuật khâu xuyên xương do McLaughlin mô tả đã được coi là tiêu chuẩn vàng trong phẫu thuật rách chóp xoay do tỷ lệ liền gân cao. Đối với các phẫu thuật viên trẻ, để hình dung ra kỹ thuật khâu xuyên xương kinh điển không hề dễ dàng vì hiện tại, phẫu thuật nội soi sửa chữa các thương tổn chóp xoay chiếm ưu thế tuyệt đối. Nôm na kỹ thuật này tạo 1 rãnh tại diện bám nguyên thuỷ của chóp xoay, sau đó khâu vùi chóp xoay rách vào đó bằng các mũi khâu xuyên xương.
Sự phát triển của phẫu thuật nội soi với nhiều phương tiện và trợ cụ giúp cho giải quyết bài toán tổn thương chóp xoay nhẹ nhàng hơn tuy nhiên vấn đề liền gân chóp xoay vẫn là sự trăn trở của các nhà “khớp vai học”. Việc phục hồi gân rách vào điểm bám bằng các kỹ thuật khâu 1 hàng (single row) hoặc 2 hàng (double row) kinh điển bước đầu đạt được những thành công nhất định tuy nhiên tỷ lệ rách lại còn cao. Đó là cơ sở để phát triển các kỹ thuật khâu cải tiến nhằm hướng đến khả năng liền gân cao hơn. Một trong những sự hấp dẫn của tổn thương chóp xoay và nội soi khớp vai là hình thái tổn thương rất đa dạng vì vậy kỹ thuật khâu vá cũng hết sức tuỳ biến chứ không có những khuôn mẫu cụ thể, tuy nhiên những yêu cầu căn bản của phẫu thuật như : tạo hình như thế nào cho đủ? Khâu như thế nào cho chắc? Khâu như thế nào cho liền tốt? Vẫn là những kim chỉ nam căn bản cho các phẫu thuật viên. Vấn đề liền gân là vấn đề khá quan trọng và đảm bảo kết quả dài lâu của phẫu thuật luôn là vấn đề cần quan tâm đặc biệt bởi vì kỹ thuật khâu gân có 1 phần ảnh hưởng đến việc này. Kỹ thuật khâu xuyên xương trong mổ mở được coi là tiêu chuẩn vàng trong vấn đề liền gân, kỹ thuật này cũng được các nhà phẫu thuật cố gắng thực hiện qua nội soi tuy nhiên thực hiện kỹ thuật nguyên bản qua nội soi tương đối khó khăn, từ đó các kỹ thuật tương tự được phát triển, gọi là “Transosseous equivalent technique” (viết tắt là TOE) trong đó phổ biến nhất là “Transosseous equivalent suture bridge technique”.
Hình 1: Minh hoạ kỹ thuật khâu xuyên xương trong mổ mở khâu chóp xoay
Hình 2: kỹ thuật khâu bắc cầu qua nội soi
Hình 3: Hình ảnh khâu kỹ thuật bắc cầu với 4 neo 6 nơ (trong đó có 2 nơ knotless) và 12 chỉ của chúng tôi
Hình 4: Hình ảnh khâu bắc cầu phục hồi chóp xoay của chúng tôi
PGS.TS Trần Trung Dũng