Đau vai do khá nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra, một trong những nguyên nhân khá phổ biến ở người trung và cao tuổi hiện nay, đó là tổn thương gân chóp xoay do “hội chứng hẹp khoang dưới mỏm cùng vai” gây ra. Nói như vậy để hiểu rằng rách chóp xoay là do “hẹp khoang” và do đó nếu xử lý vấn đề hẹp khoang sớm hơn khi gân chưa rách thì có lẽ sẽ tốt hơn, tuy nhiên việc chỉ định phẫu thuật ở giai đoạn sớm đôi khi không thật dễ dàng.
Subacromial impingement syndrome được dịch ra tiếng Việt một cách không thật chính xác là “Hội chứng hẹp khoang dưới mỏm cùng vai”. Về mặt cơ chế, bản chất của tổn thương này là hậu quả của tình trạng cọ xát (đúng nghĩa đen của từ “impingement”) giữa mỏm cùng vai và chỏm xương cánh tay, và vị trí cọ xát ở phía chỏm xương cánh tay tương ứng là vị trí bám của chóp xoay mà cụ thể là gân trên gai. Cọ xát lâu dài dẫn đến viêm gân rồi rách gân. Tổn thương này hay gặp ở người có tuổi, đặc biệt là phụ nữ do các tổn thương thoái hoá làm phì đại mỏm cùng vai (do đó mới dịch nghĩa tương đối là Hẹp khoang...), do chất lượng gân kém dễ viêm dễ tổn thương. Ở người trẻ, thường có yếu tố chấn thương và yếu tố cấu trúc giải phẫu. Tên gọi “Hẹp khoang...” làm nhiều người suy nghĩ đến tính toán đo đạc lượng giá để chẩn đoán tuy nhiên biểu hiện “hẹp khoang” tuyệt đối thường ở gia đoạn muộn khi tổn thương chóp xoay lớn. Ở giai đoạn sớm khi gân chưa đứt rách hoặc rách nhỏ, việc chẩn đoán bằng lượng hoá chỉ số không hề dễ dàng, có chăng là sự nhận biết các chồi xương thoái hoá ở mặt dưới mỏm cùng vai vì vậy, chỉ định phẫu thuật sửa chữa “hẹp khoang” ở giai đoạn sớm khi chưa có rách gân rất có ý nghĩa nhưng không thật sự dễ dàng. Bản chất cơ chế của tổn thương là sự đụng chạm, cọ xát (impingement) của chỏm xương cánh tay vào mỏm cùng vai trong các động tác nâng tay quá đầu, cơ chế này để lại những dấu hiệu gián tiếp mà đôi khi nếu thăm khám và xem xét phim ảnh cẩn thận có thể phát hiện ra và chỉ định can thiệp sớm hơn cho bệnh nhân. Sự cọ xát kích thích làm vùng xương đó bị kích thích thích và có thể để lại những biểu hiện gián tiếp là phù xương. Xin giới thiệu hình ảnh dấu hiệu gián tiếp “phù xương” rất đẹp của chỏm xương cánh tay của bệnh nhân bị “hội chứng hẹp khong dưới mỏm cùng vai” ở giai đoạn sớm khi chưa có tổn thương gân lớn phải khâu phục hồi. Tất nhiên việc thuyết phục bệnh nhân điều trị phẫu thuật cũng dễ dàng hơn vì bệnh nhân đã từng có tổn thương rách chóp xoay bên đối diện được phẫu thuật thành công 2 năm trước đó.
PGS.TS Trần Trung Dũng