Chỉ định:
Chỉ định thay toàn bộ xương đùi thường được cân nhắc thận trọng và thường cho những lựa chọn điều trị khi phải cân nhắc khả năng tháo khớp háng hoặc cắt cụt cao cho bệnh nhân. Tuy nhiên, việc đánh giá bệnh nhân cũng cần kỹ lưỡng để đảm bảo sự thành công cao của phẫu thuật.
Đối với bệnh lý u xương, xương đùi là xương thường bị tổn thương nhất, cả u nguyên phát hoặc di căn. Đối với tổn thương u xương đầu dưới xương đùi, 1 số trường hợp có thể phẫu thuật cắt cụt hoặc giữ lại phần cẳng chân và tạo hình bằng kỹ thuật của van Nes (van Nes rotationplasty) để tạo thuận lợi cho việc sử dụng chân giả của bệnh nhân. Trong những trường hợp có chỉ định như trên, việc thay toàn bộ xương đùi đem lại những lợi ích hơn cho bệnh nhân.
Cùng với số lượng phẫu thuật thay khớp háng tăng lên là số lượng các trường hợp phải thay lại khớp cũng tăng theo. Một trong những vấn đề khó khăn trong việc thay lại khớp đó là sự mất thể tích xương đùi do tiêu xương, có thể nhiễm trùng hoặc không. Một số trường hợp, tiêu xương nhiều, việc tạo hình lại xương đùi bằng các phương pháp truyền thống là không khả thi và do đó, chỉ định thay toàn bộ xương đùi trong các trường hợp này cũng được đặt ra. Đôi khi việc thay toàn bộ xương đùi đồng thời giải quyết cả những vấn đề của khớp gối hoặc khớp háng lân cận cùng bên do thường các khớp này cũng xuất hiện các tổn thương thoái hoá.
Một số tổn thương khác cũng ảnh hưởng đến chất lượng xương đùi, có thể gây gãy bệnh lý hoặc các biến dạng sớm của xương như các tổn thương trong bệnh Paget, trường hợp đầu tiên được thay toàn bộ xương đùi bởi Buchman năm 1965. Tương tự như các tổn thương thể giả u và tổn thương khớp trong bệnh Hemophilia cũng là những trường hợp được cân nhắc thay xương đùi toàn bộ.
Thiết. kế xương đùi nhân tạo:
Có 2 thiết kế chính cho thay toàn bộ xương đùi, đó là thay toàn bộ xương đùi kiểu nội tuỷ (intramedullary total femur replacement IM-TFR) và thay toàn bộ xương đùi dùng cho các trường hợp u (“tumortype” TFR). Thiết kế của xương đùi nhân tạo kiểu IM-TFR dựa trên nguyên tắc là tạo kết nối giữa 2 khớp háng và khớp gối nhân tạo trước đó, có thể thực hiện theo 2 cách: 1 là sử dụng 1 khúc nối nội tuỷ để liên kết 2 khớp háng và khớp gối nhân tạo trước đó mà cả 2 khớp nhân tạo vẫn còn được cố định chắc vào xương (hình 1) 2 là sử dụng 1 khúc nối liên kết với khớp háng và khớp gối thay lại qua khớp nối khi phải thay lại đồng thời cả khớp háng và khớp gối nhân tạo (hình 2). Thiết kế của xương đùi toàn bộ kiểu IM-TFR có thuận lợi là hạn chế được việc mở rộng đường mổ ở vùng giữa xương đùi tuy nhiên cũng có hạn chế là phải có đầy đủ các lựa chọn cho khúc nối nội tuỷ để phù hợp với các khớp háng và khớp gối nhân tạo sẵn có trong trường hợp không phải thay lại khớp háng và khớp gối nhân tạo do còn cố định vững chắc vào xương. Còn thiết kế dạng tumortype thường có cấu trúc dạng modul như trường hợp sử dụng cho bệnh nhân của chúng tôi (hình 3).
Hình 1: IM-TFR kiểu thứ nhất (nguồn: Internet)
Hình 2: IM-TFR kiểu thứ 2 (nguồn: Internet)
Hình 3: Tumortype TFR (hình ảnh x quang của bệnh nhân)
Link 1 số bài viết liên quan:
- http://benhvienk.vn/co-gai-tre-ung-thu-xuong-di-lai-binh-thuong-sau-ca-phau-thuat-dau-tien-tai-viet-nam-thay-toan-bo-xuong-dui-kim-loai-nd88084.html
- https://suckhoedoisong.vn/nguoi-dau-tien-tai-viet-nam-buoc-di-bang-xuong-dui-kim-loai-n169823.html
- https://soha.vn/lan-dau-tien-o-viet-nam-co-gai-ung-thu-xuong-duoc-thay-xuong-dui-nhan-tao-20200308104237504.html
- https://baomoi.com/ky-tich-viet-nam-thao-toan-bo-xuong-dui-de-thay-bang-xuong-kim-loai-cho-nu-sinh-vien-nam-cuoi/c/34236648.epi
- https://nhandan.com.vn/y-te/item/43525602-cuoc-song-moi-cua-co-gai-viet-nam-dau-tien-“so-huu”-xuong-dui-kim-loai.html
PGS. TS Trần Trung Dũng