Thần kinh trụ là 1 trong 3 dây thần kinh xuất phát từ đám rối thần kinh cánh tay chi phối các vận động và cảm giác quan trọng của cẳng và bàn tay. Khi đi qua vùng khuỷu, mỗi dây này đi theo 1 hướng khác nhau trong đó thần kinh trụ đi phía trong, chạy trong rãnh thần kinh trụ ở phía sau của mỏm trên lồi cầu trong xương cánh tay và được bảo vệ khá nghiêm ngặt và chặt chẽ bởi các cấu trúc phần mềm xung quanh trong do các cấu trúc gân của các cơ duỗi cổ tay trụ, cơ tam đầu cánh tay và 1 dây chằng khá quan trọng là dây chằng Osborne, đóng vai trò như cái mái nhà che cho thần kinh trụ ở trong rãnh thần kinh trụ, tạo nên ống thần kinh trụ.
Hình 1: Giải phẫu ống thần kinh trụ với dây chằng Osborne
Do được bảo vệ nghiêm ngặt như vậy nên đa số các vấn đề của thần kinh trụ ở vùng khuỷu thường là do chèn ép, tức là về bản chất là ống thần kinh trụ (cubital tunnel) bị chật hẹp, có thể do viêm dày của các cấu trúc phần mềm xung quanh,… do đó nhắc đến chèn ép thần kinh trụ ở vùng khuỷu (cubital tunnel syndrome) thì phổ biến hơn, dễ hình dung hơn.
Tuy nhiên, ngoài chèn ép thần kinh trụ thì còn có tổn thương khác hiếm gặp hơn là trật thần kinh trụ, nghĩa là thần kinh trụ không nằm yên trong ống thần kinh trụ mà sẽ bị trật ra ngoài khi gấp duỗi khuỷu. Tình trạng trật thần kinh này thường lặp đi lặp lại khi bệnh nhân gấp duỗi khuỷu (thần kinh nằm ở trong ống thần kinh khi duỗi và trật ra trước qua mỏm trên lồi cầu trong khi gấp khuỷu) có thể kích thích gây ra các triệu chứng của thần kinh trụ như tê bì phía mặt trong cẳng tay lan đến ngón út và áp út.
Trật thần kinh trụ có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau như bẩm sinh do thiểu sản mỏm trên lồi cầu trong, do sự lỏng lẻo của cấu trúc dây chằng xung quanh hoặc do chấn thương,… trong đó đa số các ca được mô tả trên y văn có liên quan đến yếu tố chấn thương.
Hình 2: Minh hoạ tổn thương dây chằng Osborne
Chẩn đoán trật thần kinh trụ dựa trên lâm sàng và siêu âm động khuỷu tay, có thể làm thêm điện sinh lý thần kinh để đánh giá mức độ tổn thương thần kinh nếu có. Và rất thú vị là cộng hưởng từ không có nhiều giá trị chẩn đoán vì chụp ở tư thế tĩnh, duỗi khuỷu nên bệnh nhân này đã chụp cộng hưởng từ nhưng không xác định được tổn thương.
Hình 3: Hình ảnh siêu âm trật thần kinh trụ ở hai tư thế gấp và duỗi khuỷu
Hình 4: Hình ảnh siêu âm thần kinh trụ của bệnh nhân ở hai tư thế gấp và duỗi khuỷu
Tình trạng trật thần kinh trụ có thể phải điều trị nếu có triệu chứng kích thích thần kinh, đa số được điều trị nội khoa, 1 số trường hợp có thể cân nhắc phẫu thuật nếu nội khoa không cải thiện. Phẫu thuật phổ biến là “chuyển giường thần kinh trụ” tức là tạo 1 vị trí mới cho thần kinh trụ.
GS. TS Trần Trung Dũng