Việc điều trị phẫu thuật hội chứng ống cổ tay chỉ hiệu quả nếu tổn thương thần kinh là do chèn ép từ ngoài vào. Cũng như đa số các tổn thương thần kinh ngoại vi khác, sự chèn ép chủ yếu là các chèn ép cơ học trực tiếp do các cấu trúc giải phẫu vào dây thần kinh như chèn ép của đĩa đệm cột sống, chèn ép của tổ chức xơ và thoái hoá vào thần kinh trụ ở vùng mỏm khuỷu và ngay ở ống cổ tay, sự chèn ép vào thần kinh giữa cũng có thể do các cấu trúc giải phẫu chèn ép vào như lắng đọng tinh thể urat trong bệnh Gout hay các tổn thương xơ hoá hay xương vỡ trật do chấn thương ở vùng cổ tay. Thật không may, các nguyên nhân chèn ép trực tiếp đó chiếm khoảng dưới 20% các trường hợp hội chứng ống cổ tay. Còn lại khoảng hơn 80% các trường hợp hội chứng ống cổ tay không xác định rõ được căn nguyên và được cho rằng nguyên nhân do tình trạng tăng áp lực trong ống cổ tay.
Về cơ chế bệnh sinh, đa số các trường hợp không xác định rõ nguyên nhân nhưng tác động chèn ép trực tiếp lên thần kinh được cho rằng là do tăng áp lực khoảng kẽ trong ống cổ tay với cơ chế tương tự như hội chứng khoang.Tình trạng tăng áp lực khoảng kẽ trong lâm sàng có thể dễ hiểu nhất là trong hội chứng khoang cẳng chân do chấn thương. Tình trạng tăng áp lực khoang do chấn thương lúc đầu do nguyên nhân từ ngoài vào như máu tụ, cơ đụng dập, sau đó là tình trạng phù nề do thoát dịch ra khoảng kẽ và dẫn đến tình trạng tăng áp lực khoang theo 1vòng xoắn bệnh lý. Tình trạng tăng áp lực này dẫn đến chèn ép vào tổ chức cơ ở trong các khoang và dẫn đến hoại tử tô chức cơ.
Trong ống cổ tay, thành phần chủ yếu là gân, bao gân và thần kinh giữa. Nguyên nhân tăng áp được các tác giả lý giải do tình trạng tăng áp lực khoảng kẽ và do đó một số yếu tố nguy cơ như yếu tố nội tiết, yếu tố bệnh lý toàn thân như đái đường, … làm tăng nguy cơ gây hội chứng này. Kết quả nghiên cứu bước đầu của chúng tôi cho thấy, tình trạng áp lực ống cổ tay tăng lên 1 cách có ý nghĩa ở những bệnh nhân bị hội chứng ống cổ tay được chỉ định phẫu thuật và với những bệnh nhân có tình trạng tăng áp lực trong ống cổ tay, sau phẫu thuật tình trạng lâm sàng cải thiện rõ và nhanh chóng, sự thay đổi về điện sinh lý thần kinh có thể thấy được ngay từ tuần thứ hai sau phẫu thuật. Nghiên cứu của chúng tôi còn cho thấy một số điểm lý thú khác được các tác giả khác nhắc đến như tình trạng tăng áp lực tăng lên khi cổ tay gấp hoặc duỗi quá mức, điều này cũng góp phần làm rõ hơn cơ chế của nghiệm pháp Phalen và Phalen ngược trong thăm khám lâm sàng hội chứng ống cổ tay.
TS Trần Trung Dũng (from Singapore)