“Phương pháp điều trị tốt nhất là không phải điều trị gì cả” nghĩa là chỉ cần dinh dưỡng và tập luyện là đủ. Tuy nhiên, “cuộc đời không như là mơ” nên đôi khi chúng ta vẫn phải gặp bác sỹ. Những vấn đề về khớp gối đặc biệt là thoái hoá khớp gối có xu thế ngày càng trở nên phổ biến ở nước ta trong những năm gần đây. Tình trạng thoái hoá khớp gối có thể hiểu nôm na là chất lượng khớp gối kém dần theo thời gian, giống như 1 chiếc xe ô tô chúng ta sử dụng lâu năm sẽ trục trặc, hỏng hóc ở các mức độ khác nhau. Kỳ vọng 1 chiếc xe ô tô sử dụng sau 50 - 60 năm mà vẫn ngon lành như mới là “bất khả thi” nhưng chiếc xe đó vẫn chạy được túc tắc, ít trục trặc thì có thể được. Các khái niệm “bảo trì bảo dưỡng”, “sửa chữa nhỏ”, “trung tu”, “đại tu” dành cho máy móc thiết bị cũng khá gần gũi khi liên tưởng đến các phương án điều trị bệnh lý thoái hoá khớp gối. Từ đơn giản nhẹ nhàng như tập luyện dinh dưỡng đến dùng thuốc hay phẫu thuật, có nhiều cấp độ khác nhau tuỳ theo mức độ tổn thương của khớp gối. Việc khó khăn nhất lại thuộc về bác sỹ, đòi hỏi kiến thức và kinh nghiệm, đó là phương án điều trị. Một điều chắc chắn là chúng ta không thể chữa khỏi được thoái hoá, có thể hiểu nôm na là “không thể biến cụ già thành thiếu nữ được” nhưng già mà không ốm đau bệnh tật, khoẻ mạnh là thành công rồi. Vì vậy lựa chọn can thiệp điều trị cho bệnh lý thoái hoá khớp gối cũng là “cả 1 nghệ thuật” tuy nhiên nguyên tắc chung có thể hiểu là “giảm thiểu nhất có thể”, nghĩa là không dùng thuốc sẽ tốt hơn dùng thuốc, dùng thuốc được sẽ tốt hơn phẫu thuật, mổ nội soi được sẽ tốt hơn thay khớp, mổ nhỏ được sẽ tốt hơn mổ lớn,...
Khi tổn thương thoái hoá khớp gối nặng thì sẽ phải thay khớp gối. Phẫu thuật thay khớp gối toàn bộ có thể coi là phẫu thuật nặng nhất trong các phẫu thuật chấn thương chỉnh hình, đó là điều bệnh nhân và bác sỹ khá e ngại, nhất là thường các bệnh nhân thay khớp gối tuổi lại cao, nhiều bệnh toàn thân phối hợp. Một điểm khá thú vị của bệnh lý thoái hoá khớp gối nguyên phát là thường khởi phát từ khoang trong (tức là diện tiếp xúc của lồi cầu trong và mâm chày trong) sau đó mới tiến triển ra các khoang khác của gối. Điểm thú vị này có lý do của nó, đó là sinh lý bình thường thì khoang trong cũng chịu tải nhiều hơn khoang ngoài trong các sinh hoạt vận động bình thường của bệnh nhân nên tuổi thọ thường kém hơn. Khi bắt đầu bị tổn thương, khớp gối sẽ bị vẹo trong nhiều hơn làm cho khoang trong lại chịu tải nhiều hơn nữa, gối càng vẹo thì chịu tải khoang trong càng tăng thậm chí có thể đến gần 100% lực tải lên toàn bộ khớp gối. Điều đó có nghĩa là khoang ngoài khớp gối của bệnh nhân có thể vẫn hoàn toàn bình thường cho đến khi bệnh nhân phải thay khớp gối. Việc tăng chịu tải của khoang trong là 1 trong những nguyên nhân của đau khớp gối do đó điều chỉnh chịu tải bằng phẫu thuật chỉnh trục (HTO: high tibia osteotomy) nhằm chuyển chịu lực chính của gối ra khoang ngoài là một trong những phẫu thuật điều trị thoái hoá khớp gối được thực hiện sớm trước khi các phẫu thuật thay khớp ra đời. Kể cả các phẫu thuật thay khớp gối toàn bộ thì một trong các tiêu chí thành công cũng là phục hồi được trục sinh lý để đảm bảo kết quả trước mắt cũng như lâu dài của khớp nhân tạo. Do tiến triển thoái hoá gối thường bắt đầu từ khoang trong và dẫn đến hệ luỵ vẹo gối và vòng xoắn bệnh lý thoái hoá tiến triển nhanh do đó ý tưởng thay thế khớp gối 1 khoang (hay còn gọi thay khớp gối bán phần) ra đời. Việc thay khớp gối 1 khoang không chỉ đơn thuần là thay thế phần khớp gối bị hỏng mà còn chỉnh sửa lại trục của chi do đó dần chiếm ưu thế hơn so với các phẫu thuật cắt xương chỉnh trục. So với phẫu thuật thay khớp gối toàn bộ thì có thể áng chừng mức độ nặng của phẫu thuật thay khớp gối bán phần chỉ bằng khoảng 20-25%, thậm chí còn nhẹ nhàng hơn so với 1 ca mổ kết hợp xương vỡ mâm chày. Vấn đề là chỉ định mổ thay khớp gối bán phần đúng thời điểm (không dễ nha) và sự hoàn hảo về kỹ thuật phẫu thuật (cũng khó nha)
Hình 1: Hình ảnh thoái hoá khoang trong khớp gối
Hình 2: Hình ảnh x quang sau mổ thay khớp gối 1 khoang
Hình 3: Hình ảnh 1 ca "đục xương chỉnh trục" điều trị thoái hoá khớp gối
PGS. TS Trần Trung Dũng