Bệnh nhân đối mặt nguy cơ tàn phế suốt đời
Ngày 11.1.2021, sau 7 giờ đồng hồ, các bác sĩ của Việt Nam đã thực hiện thành công ca phẫu thuật trên. Bệnh nhân là ông T.Đ.T 57 tuổi, ở Bắc Giang, phát hiện bị
ung thư xương được 7 tháng nay. Khối sưng, đau xuất hiện ở vùng hông trái và theo dõi cho thấy tăng nhanh về kích thước.
Bệnh nhân đã đến khám tại Bệnh viện K và được sinh thiết, chẩn đoán bị ung thư (sarcom) xương cánh chậu trái, xâm lấn một nửa xương chậu và phần ổ cối của khớp háng.
Tại đây, ông đã được điều trị hóa chất 3 đợt và sau đó các bác sĩ khuyên ông nên phẫu thuật để lấy bỏ khối u, tăng cơ hội sống nhưng cũng có nghĩa ông sẽ tàn phế suốt đời vì khả năng sẽ phải tháo bỏ toàn bộ xương chậu phía bên trái để ngăn chặn khối ung thư phát triển và bảo toàn tính mạng.
Tại trung tâm Phẫu thuật khớp và Y học thể thao (Hà Nội) ông Toàn đã được GS.TS Trần Trung Dũng trực tiếp thăm khám.
"Đây là một trường hợp rất khó, bởi khối u của bệnh nhân có kích thước lớn, xâm lấn phá hủy nhiều tổ chức xung quanh, lại nằm ở vùng có cấu trúc giải phẫu phức tạp là xương chậu”- GS Dũng chia sẻ.
Sau khi hội chẩn, các bác sĩ đã quyết định sẽ vừa phẫu thuật lấy bỏ phần xương chậu có u, vừa thay thế cho bệnh nhân xương chậu và khớp háng nhân tạo mới.
Trong thời gian 2 tuần sau quyết định quan trọng, ông Toàn được điều trị hóa chất đợt thứ 4. Cũng trong thời gian đó, các chuyên gia đã nghiên cứu, sản xuất, tìm ra phương án thay thế phần xương chậu bị lấy bỏ của bệnh nhân.
Hình 1: Hình ảnh khối u trên phim cắt lớp dựng hình 3D trước mổ
Hình 2: Xác định vị trí dự định cắt xương và thiết kế phần xương nhân tạo thay thế
Hình 3: Khối u xương được cắt ra và phần xương nhân tạo đã được in chuẩn bị thay thế cho bệnh nhân
Hình 4: Hình ảnh phim X quang và phim cắt lớp dựng hình của bệnh nhân sau phẫu thuật
Tạo ra xương chậu nhân tạo bằng in 3D
Trước tiên, các bác sĩ đã quét lại mô hình 3 chiều vùng khung chậu của bệnh nhân. Từ đó, lên kế hoạch cho cuộc phẫu thuật như diện cắt u làm sao cho đủ triệt căn mà vẫn bảo tồn các điểm bám gân, cơ; cũng như kế hoạch thay thế phần xương khuyết hổng.
Sau khi đã có dữ liệu số hóa 3 chiều, các bác sĩ phối hợp cùng với các kỹ sư thiết kế tạo và in ra xương chậu nhân tạo thay thế được làm bằng hợp kim titan với hình dáng, chức năng gần như tương tự xương của bệnh nhân.
Ca phẫu thuật được thực hiện trong phòng mổ hybrid với hệ thống robot Pheno Artist và hệ thống hình ảnh dẫn đường hỗ trợ định vị, dựng hình 3D trực tiếp trong phẫu thuật để tính toán các mốc đặt xương, giúp việc tính toán các góc nghiêng loại bỏ u và đặt xương chậu nhân tạo chính xác.
Các bác sĩ đã lấy bỏ thành công khối u xương và ghép hoàn thiện phần xương chậu cùng khớp háng nhân tạo cho bệnh nhân.
Hình 5: Hình ảnh phòng điều khiển robot trong ca mổ thay cánh chậu
Link bài viết:
https://nhandan.vn/tin-tuc-y-te/lan-dau-tien-viet-nam-thay-xuong-chau-nhan-tao-bang-titan-thanh-cong-631727/
https://laodong.vn/y-te/lan-dau-viet-nam-thay-xuong-chau-nhan-tao-bang-titan-thanh-cong-870693.ldo
GS.TS Trần Trung Dũng