Dở nhất là tính tôi hơi gàn, một là đã thích rồi thì sẽ quyết tâm làm được, hai là càng gàn tôi thì tôi càng thích, như kiểu game được tăng độ khó nên muốn chinh phục.
Lúc ban đầu tôi thích Ngoại khoa vì nhìn các anh bác sĩ ngoại khoa “chất” lắm, các anh đi từ nhà mổ ra phòng khám, dưới các tia nắng xiên qua tán của hai hàng cây cao vút trong bệnh viện Việt Đức, bên trong mặc bộ quần áo nhà mổ, bên ngoài khoác cái áo blouse xịn của Pháp mở bung hai hàng cúc, đầu ngẩng cao, mắt nhìn thẳng trông như có hào quang toả ra xung quanh (nhưng cũng có anh đầu ngẩng cao quá nên đi từ nhà mổ ra phòng khám vấp 7 lần suýt ngã - 1 vị tiền bối đã chia sẻ với chúng tôi khi mới nhập học như vậy để nhắc các bác sĩ nội trú đừng tự kiêu quá).
Nếu bạn đã trải qua năm cuối đại hoc Y tức là Y6, các bạn sinh viên nam hẳn có đôi lúc chạnh lòng ghen tỵ khi các anh bác sĩ nội trú năm nhất mới vào nhưng được các em sinh viên, nhất là sinh viên nữ ngưỡng mộ, hơn nhau có tý tuổi mà cảm giác chênh lệch như mặt đất và bầu trời, vừa gần mà như xa vời vợi. Đó cũng là động lực để nhiều sinh viên quyết tâm thi bác sĩ nội trú. Động lực của tôi thì khác chút, 1 là bị gia đình gàn nhiều quá, 2 là mình đã có bạn gái, nên cũng cần phải đỗ bác sĩ nội trú để chứng tỏ đẳng cấp, flex tý với gia đình 2 bên chứ
Chúng tôi học bác sĩ nội trú ở vào giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ của y tế nước nhà cùng với sự phát triển của đất nước dẫn đến xu hướng phát triển các chuyên khoa sâu. Ngoại khoa tổng quát bắt đầu phân hoá sâu và mạnh mẽ thành các chuyên khoa chuyên sâu như Phẫu thuật thần kinh, phẫu thuật Chấn thương chỉnh hình, phẫu thuật tiêu hoá, phẫu thuật Tiết niệu, phẫu thuật Tim mạch,… Thực ra ở giai đoạn đó, sự phát triển của các kỹ thuật chuyên sâu trong Chấn thương chỉnh hình có nhưng chưa mạnh mẽ do những khó khăn về trang thiết bị cũng như chi phí đắt đỏ của vật tư tiêu hao chưa được bảo hiểm y tế chi trả. Phẫu thuật chiếm đa số vẫn là chấn thương gãy xương, có thể tới 80-90% số ca mổ trong khoa. Thực tế là chấn thương cũng hay với rất nhiều ca khó và phức tạp nhưng tinh hoa của Chấn thương chỉnh hình lại không nằm ở đó mà nằm ở khu vực chỉnh hình, bệnh lý thoái hoá, y học thể thao và ung thư. Khi mới bắt đầu về học ở khu vực chấn thương chỉnh hình với số lượng mổ về gãy xương quá nhiều, thực sự luyện tay nghề phẫu thuật cho các bác sĩ sẽ rất tốt nhưng tôi hơi băn khoăn, chả lẽ chỉ có vậy thôi sao.
Những tiếp xúc với các chuyên gia phẫu thuật Mỹ đã cho tôi thấy được sự bao la, rộng lớn của chuyên ngành cùng với khả năng ứng dụng vô cùng mạnh mẽ của khoa học vào chuyên ngành này trên thế giới mà thực sự ở giai đoạn đó, chưa có nhiều điều kiện để áp dụng tại Việt Nam. Càng đọc, nghiên cứu thì càng thấy cái hay, tinh tế của hệ cơ xương khớp, các câu chuyện về giải phẫu chức năng ứng dụng, các tổn thương bất thường do dị tật cơ quan vận động và sự đa dạng, chuyên rất sâu của các khu vực giải phẫu tạo thành các chuyên khoa rất sâu như: phẫu thuật bàn tay, cột sống, khớp gối, khớp háng,… Sự đa dạng về giải phẫu cũng như đa dạng về nguyên nhân của vấn đề sức khoẻ xương khớp như y học thể thao, bệnh lý dị tật, bệnh lý ung thư và các vấn đề về lão hoá làm ngay từ thời điểm đó tôi đã thấy choáng ngợp và cảm thấy vô cùng hứng thú với chuyên ngành này vì có quá nhiều thứ để khám phá.
Tròn 20 năm từ ngày tốt nghiệp bác sĩ nội trú nhưng đam mê với những vấn đề xương khớp không hề giảm vì ngày càng có nhiều những ứng dụng của khoa học kỹ thuật vào trong chẩn đoán và điều trị giúp cho hiệu quả khám chữa bệnh ngày càng cao. Có quá nhiều điều hấp dẫn của chuyên ngành mà bản thân sức cá nhân mình không đủ để tìm hiểu và khám phá hết được, muốn truyền tải những điều hấp dẫn đó cho thế hệ sau để các em tiếp tục khám phá và phát triển, tiếp tục mơ và hiện thực hoá những giấc mơ mà thế hệ chúng tôi chưa làm được.
Cuộc sống là sự tiếp nối của các thế hệ nhưng quan trọng hơn là sự kết nối, sự chuyển giao không chỉ tri thức khoa học mà còn cả sự đam mê giữa các thế hệ đó.
GS.TS Trần Trung Dũng