Người phụ nữ 52 tuổi, ở Gia Lai, 6 năm trước bị tai nạn gãy vụn xương sên ở cổ chân, không hồi phục, không thể đi lại bình thường. Từ đó, xương cổ chân của chị bị thoái hóa, biến dạng, phải uống nhiều loại thuốc giảm đau. Bác sĩ phẫu thuật hàn cứng khớp song biện pháp này khiến cổ chân không thể vận động, chị không thể đi lại linh hoạt.
Đầu tháng 3, chị tới Bệnh viện đa khoa Tâm Anh khám. Bác sĩ Vũ Tú Nam, Trưởng đơn vị Phẫu thuật khớp gối, cổ bàn chân và Y học thể thao, cho biết di chứng chấn thương của chị chủ yếu ở xương sên cổ chân, rất phức tạp. Nhóm bác sĩ quyết định lấy bỏ phần xương hỏng, thay thế hoàn toàn bằng vật liệu nhân tạo tương thích sinh học, đồng thời giữ nguyên các cấu trúc vận động khác của cổ chân. Xương nhân tạo được chế tạo bằng công nghệ in 3D, thiết kế riêng theo chỉ số giải phẫu của người bệnh và giống hệt như xương lành, đặt ở vị trí tối ưu.
Theo bác sĩ Nam, mổ thay xương sên nhân tạo khó hơn so với mổ thay khớp háng và khớp gối. Hình dạng xương sên rất phức tạp và phải đảm bảo xương mới đặt ở vị trí phù hợp hoàn toàn với các xương khác ở cổ chân. Một chút sai lệch nhỏ về vị trí đặt có thể khiến mặt khớp bị lệch, người bệnh không thể đi lại. Ca mổ diễn ra ngày 11/3, kéo dài gần 3 giờ, sử dụng robot hỗ trợ để đảm bảo chính xác. 24 giờ sau, bệnh nhân có thể tập đi lại ngay và có thể xuất viện trong tuần này. Người bệnh cho biết có thể cử động cổ chân mà không cảm thấy vướng víu hay đau đớn.
Hình 1: Thiết kế xương sên nhân tạo
Hình 2: Hình ảnh x quang sau mổ của bệnh nhân
Đây là trường hợp thay xương sên nhân tạo đầu tiên tại Việt Nam và là ca mổ thay toàn bộ xương sên đầu tiên được báo cáo tại khu vực Đông Nam Á. "Thành công của ca thay xương sên nhân tạo là một bước tiến mới trong lĩnh vực điều trị cơ xương khớp, mở ra hy vọng cho người bệnh thoái hóa, đau khớp cổ chân mạn tính có thể được chữa khỏi hoàn toàn, thoát khỏi cảnh đau đớn dày vò triền miên", bác sĩ Nam cho biết.
Xương sên đóng vai trò quan trọng nhất ở vùng cổ chân và có hình dạng tương tự ốc sên. Xương nằm chính giữa cổ chân, chịu toàn bộ trọng lượng một bên cơ thể, giúp cổ chân có thể vận động trong mỗi bước đi.
Nguồn máu nuôi dưỡng xương sên hạn chế nên xương khó liền khi bị tổn thương. Nếu người bệnh bị gãy xương sên, xương có thể bị hoại tử và mất chức năng chống đỡ, làm hạn chế khả năng lao động và suy giảm nghiêm trọng chất lượng cuộc sống.
Để điều trị và giảm đau, phương pháp truyền thống là lấy bỏ xương sên và hàn các khớp còn lại của cổ chân thành một khối duy nhất. Tuy nhiên, phương pháp khiến bệnh nhân mất đi hoàn toàn khả năng vận động cổ chân, không thể đi lại linh hoạt.
Link bài viết gốc: https://vnexpress.net/nguoi-dau-tien-thay-xuong-sen-co-chan-4249073.html
GS.TS Trần Trung Dũng