Xu hướng chuyển từ các phẫu thuật cắt cụt sang các phẫu thuật bảo tồn chi trong điều trị ung thư xương trở nên mạnh mẽ từ giữa những năm 70 của thế kỷ 20 khi những bằng chứng cho thấy không có sự khác biệt có ý nghĩa về tỷ lệ tái phát, di căn giữa hai chiến lược phẫu thuật trong đó việc phẫu thuật bảo tồn đem lại những lợi điểm rõ rệt về chức năng, thẩm mỹ và tâm lý cho bệnh nhân và gia đình. Việc sử dụng các khớp và xương nhân tạo hoặc đồng loại để phục hồi được thực hiện khá rộng rãi từ giai đoạn này, cùng với sự phát triển của các điều trị phối hợp như hoá trị liệu đã góp phần đưa việc điều trị ung thư xương lên 1 tầm cao mới.
Một trong những trăn trở của các bác sỹ tâm huyết với các tổn thương ung thư xương đó là thương tổn thường xảy ra ở bệnh nhân trẻ tuổi, ở giai đoạn phát triển xương còn tiếp tục vì vậy theo thời gian sẽ dẫn đến sự chênh lệch chiều dài chi giữa hai bên, nhất là ở chi dưới sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc đi lại cũng như sự phát triển của cột sống và các khớp. Các giải pháp thực hiện cho người trưởng thành như khớp nhân tạo kèm xương đồng loại, khớp kèm modul xương (megaprosthesis) gần như không đáp ứng được mong muốn duy trì sự phát triển chiều dài chi bình thường kể cả xương đồng loại, được coi là có khả năng liền xương nhưng không có khả năng phát triển xương. Vì vậy, một số giải pháp có thể được thực hiện phối hợp để đảm bảo sự cân bằng giữa 2 chi thể (thường là chi dưới: chân) bằng cách hãm sụn phát triển (epiphysiodesis) của chân lành để chân lành không hoặc phát triển chậm lại để tránh sự chênh lệch quá nhiều (phần chênh lệch vừa phải có thể bù bằng độn thêm đế giầy). Việc hãm sụn phát triển có thể giúp giảm chênh lệch chiều dài chi 2 bên nhưng sẽ làm sự phát triển hình thái chung của chân giảm, làm giảm tỷ lệ cân đối giữa chân và thân mình ảnh hưởng đến yếu tố thẩm mỹ, đặc biệt khi phát hiện bệnh càng sớm, tuổi bệnh nhân càng nhỏ thì càng ảnh hưởng nhiều.
Mong muốn có 1 khớp nhân tạo có thể tăng dần kích thước, chủ yếu chiều dài, dùng để phẫu thuật cho bệnh nhân nhỏ tuổi còn phát triển xương xuất hiện ngay từ những ca phẫu thuật đầu tiên với những ý tưởng đơn giản ban đầu dựa trên các khớp modul với việc bổ sung thêm các modul xương khi 2 chân bệnh nhân có chênh lệch nhiều, thường khoảng 2cm. Việc bổ sung modul xương khá phiền toái vì mỗi lần lại phải phẫu thuật lại, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, cũng như ảnh hưởng đến tuổi thọ khớp của bệnh nhân.
Ý tưởng tiếp theo để làm cho khớp nhân tạo dài ra dựa trên nguyên tắc cơ học, với việc tăng chiều dài thông qua cấu trúc gen có thể vặn được từ bên ngoài thông qua 1 cấu trúc để hở ngay dưới da. Việc tăng chiều dài có thể thực hiện được bằng việc dùng dụng cụ vặn bên ngoài mà không cần phẫu thuật mở vào khớp nhân tạo. Tuy nhiên, do cấu trúc để hở ngay dưới da liên tục vào khớp nhân tạo làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.
Để giải quyết mong muốn khớp nhân tạo có thể dài ra được đồng thời tránh được nguy cơ lớn nhất là nhiễm trùng, cuối thập kỷ 90 của thế kỷ 20, việc tăng chiều dài của khớp nhân tạo dựa trên công nghệ từ tính được nghiên cứu và phát triển. Để dễ hiểu, xin giải thích đơn giản cấu trúc hoạt động của hệ thống này như sau: hai phần của cấu trúc khớp nhân tạo có thể trượt trên nhau để kéo dài ra được, bình thường được khoá chặt với nhau nhờ hệ thống “má phanh”, khi muốn tăng chiều dài, thường khi chênh lệch chiều dài chi khoảng 1 cm, hệ thống khớp nhân tạo được đặt vào 1 ***g nam châm điện. Dưới tác dụng của nam châm điện, “má phanh” được mở ra và 2 phần của cấu trúc khớp bắt đầu trượt để tăng chiều dài, khi đạt được chiều dài dự kiến (thường là 1cm) thì hệ thống nam châm điện ngắt và “má phanh” đóng chặt lại, cố định khớp nhân tạo với chiều dài mới. Trong 1 báo cáo của Benevenia và cộng sự (2015), bệnh nhân kéo dài nhất được 12,9 cm sau 5 năm (chính xác là 63 tháng) từ năm 9 tuổi, mà không có chênh lệch chiều dài chi 2 bên. Bệnh nhân theo dõi dài nhất là 12 năm (148 tháng) từ năm bệnh nhân 9 tuổi sau mổ ung thư xương (osteosarcoma giai đoạn IIB) với chiều dài tăng thêm 10 cm và không có chênh lệch chiều dài chi, không còn bằng chứng của ung thư xương. Với sự giới thiệu lần đầu tiên bởi hãng Phenix của Pháp năm, về sau được phát triển và hình thành 2 dòng sản phẩm với công nghệ mở “má phanh” và kiểm soát việc tăng chiều dài chi khác nhau là Repiphysis® của Mỹ (Wright và Mỉcroport) và Stanmore Juvenile Tumour System (JTS, Stanmore Implants Worldwide, Stanmore, UK) của Anh. Ngoài ra còn 1 vài công nghệ thú vị khác nữa trong việc làm dài khớp nhân tạo sẽ được giới thiệu ở bài viết sâu hơn về chuyên môn.
Hình 1: Minh hoạ điều chỉnh chiều dài chi bằng khớp phát triển chiều dài (nguồn: internet)
Hình 2: Minh hoạ sơ đồ khớp phát triển chiều dài JTS (nguồn: internet)
Với sự phát triển không ngừng của khoa học công nghệ, càng ngày cơ hội được chữa trị hiệu quả, thậm chí chữa khỏi các bệnh lý ung thư trong đó có ung thư xương ngày càng cao. Vấn đề cần thăm khám phát hiện bệnh sớm, có chiến lược điều trị triệt để và phối hợp, cùng với những tiến bộ về công nghệ sẽ giúp bệnh nhân có tỷ lệ chữa khỏi cao và chất lượng cuộc sống tốt hơn, hoà nhập bình thường với đời sống xã hội.
PGS. TS Trần Trung Dũng (tổng hợp)