Thay khớp bán phần khoang ngoài khó khăn hơn khoang trong do giải phẫu phức tạp và chỉ định rất chặt chẽ. Nhờ công nghệ 3D tiên tiến, bệnh nhân 38 tuổi bị thoái hóa khoang ngoài khớp gối nặng đã không phải thay cả khớp gối.
Đau và hạn chế vận động sau 2 lần mổ
Cách đây hơn 2 năm, anh T.T.H. (38 tuổi, TPHCM) bị tai nạn giao thông gây vỡ xương mâm chày. Anh đã phải trải qua 2 cuộc phẫu thuật tuy nhiên sau đó vẫn còn bị đau nhiều khi đi lại và hạn chế vận động. Nguyên nhân được xác định bị tổn thương lún cũ mâm chày ngoài gây thoái hóa khoang ngoài
khớp gối, nếu như không có các can thiệp kịp thời sẽ dẫn tới tình trạng thoái hóa hoàn toàn khớp gối. Nhiều bệnh viện đã chỉ định anh thay toàn bộ khớp gối.
Khi anh H. tới khám tại Trung tâm Phẫu thuật khớp – Y học thể thao, GS.TS Trần Trung Dũng đã quyết định lựa chọn phương án thay bán phần khớp gối. Bởi khớp gối toàn phần không thể giúp người bệnh vận động linh hoạt được như khớp gối bán phần, trong khi độ tuổi anh H. còn rất trẻ, nhu cầu vận động cao nên lựa chọn này là tối ưu nhất cho bệnh nhân.
GS.TS Trần Trung Dũng phân tích, khi các triệu chứng đau do thoái hóa khớp gối không còn đáp ứng với các phương pháp điều trị bằng thuốc hay vật lý trị liệu thì người bệnh sẽ phải cần đến phẫu thuật thay khớp nhân tạo toàn bộ hoặc bán phần. Trong thay toàn bộ các bác sĩ sẽ phải lấy bỏ tất cả phần sụn khớp gối cùng một số dây chằng, phần mềm rồi thay thế bằng khớp gối nhân tạo. Thay bán phần có nhiều ưu điểm hơn so với thay toàn bộ khớp gối do chỉ lấy bỏ phần sụn khớp bị hỏng còn các tổ chức sụn, xương lành, dây chằng chéo sẽ được bảo tồn hoàn toàn.
Phẫu thuật thay khớp gối bán phần là một phẫu thuật mới chỉ tiến hành tại Việt Nam từ 2017 và đều là phẫu thuật thay nửa “bên trong” khớp gối. Trường hợp của anh H. là thoái hóa khoang bên ngoài kèm theo lún xương mâm chày, khó khăn hơn rất nhiều so với phẫu thuật thay “nửa trong” thường quy.
Chỉ định phẫu thuật thay khớp gối khoang ngoài cũng cần cực kỳ chặt chẽ. Một số chỉ định chính của thay khớp gối khoang ngoài là thoái hóa khoang ngoài, hoại tử vô khuẩn hoặc di chứng sau chấn thương khoang ngoài; người bệnh cần phải đáp ứng các tiêu chuẩn như độ tuổi, độ vững khớp, tầm vận động trước mổ, mức độ biến dạng... mới có thể tiến hành phẫu thuật được.
Gộp 2 lần mổ vào 1
GS.TS Trần Trung Dũng cho biết, rất nhiều các phương án được đặt ra bởi anh H. có di chứng bị lún xương mâm chày gây khuyết xương, khớp nhân tạo có nguy cơ không vững khi đặt vào nên để đảm bảo an toàn, thông thường trước đây các bác sĩ sẽ cần phải mổ hai lần: lần đầu nâng lún và ghép bù xương trước, lần hai cần chờ thêm vài tháng sau mới có thể mổ thay khớp được.
Tuy nhiên, nhờ vào việc ứng dụng công nghệ dựng hình 3D hiện đại, các bác sĩ đã mô phỏng trước cuộc mổ và tính toán ra các thông số chính xác cho thấy lượng xương còn lại của anh là “vừa đủ” để phẫu thuật thay khớp luôn trong lần đầu.
Các bác sĩ sau đó tiến hành in 3D mô hình xương tổn thương của anh H và tiến hành thêm một cuộc mổ "thực nghiệm" trên mô hình.
Cuộc mổ diễn ra thuận lợi, các bác sĩ sử dụng hệ thống hệ thống robot Artis Pheno để giúp định vị chính xác và đã phẫu thuật đặt khớp nhân tạo chính xác y hệt như lần mổ "thử" trước đó. Anh H. được các bác sĩ hướng dẫn tập đi lại ngay sau mổ và sau 5 ngày, anh đã có thể tự đi lại gần như bình thường.
Hiện nay, tại Việt Nam, thay khớp gối toàn bộ tương đối phổ biến, nhưng thay bán phần khớp gối thì vẫn còn rất ít dù nó có nhiều ưu điểm trên nhóm bệnh nhân chỉ bị thoái hóa một phần như vết mổ nhỏ, ít mất máu, người bệnh hồi phục nhanh hơn, duy trì được chức năng vận động khớp gối tốt hơn, rẻ tiền hơn, giúp bảo tồn nhiều xương để khi cần thiết có thể dễ dàng chuyển đổi thành thay khớp gối toàn bộ.
Ngày nay, nhờ áp dụng các kỹ thuật công nghệ cao như công nghệ 3D, robot, hệ thống định vị... phẫu thuật thay khớp gối bán phần đã cho kết quả rất khả quan với tỷ lệ khớp còn tồn tại sau 20 năm đạt trên 90%.
GS.TS Trần Trung Dũng