PGS.TS.BS. Trần Trung Dũng - Phó Giám đốc Bệnh viện Xanh Pôn cho biết: Bệnh viện vừa chẩn đoán và điều trị thành công cho bệnh nhân mắc u xương dạng hiếm gặp. Sự xuất hiện của loại u này ở khớp cổ chân, đặc biệt ở xương sên là rất hiếm, chỉ chiếm khoảng 2% các trường hợp u xương dạng xương. Bệnh nhân thường có các biểu hiện đau kiểu nhức buốt trong khớp cổ chân, sau đau lan lên cả phía cẳng chân và đùi,... nên dễ chẩn đoán nhầm sang các bệnh lý thông thường khác.
Các bác sĩ Bệnh viện Xanh Pôn khám lại cho cháu H.
8 tháng chữa nhức chân không hiệu quả
Bệnh nhân Chu Thanh H. (nữ), 13 tuổi, quê ở Lạng Giang, Bắc Giang bị mắc căn bệnh hiếm gặp trên. Theo lời kể của gia đình, cháu H. mắc bệnh đã 8 tháng, ban đầu cháu bị đau kiểu nhức buốt trong khớp cổ chân trái, sau đau lan lên cả phía cẳng chân và đùi, mức độ đau tăng dần, ban đêm đau nhiều hơn ban ngày, đau thành cơn, mỗi cơn kéo dài khoảng 1 tiếng. Thời gian đầu gia đình nghĩ chỉ là bệnh nhức chân do xương khớp thông thường nên tự mua thuốc giảm đau về cho cháu uống nhưng không đỡ, mức độ đau lại tăng. Sau đó gia đình đưa cháu lên bệnh viện tuyến Trung ương khám và điều trị. Tại đây, các bác sĩ cho chụp phim Xquang và chụp cắt lớp vi tính cổ chân trái, phát hiện có nang ở xương sên. Cháu H. được phẫu thuật với đường mổ mở bờ trong khớp cổ chân trái để lấy nang. Tuy nhiên, sau mổ tình trạng đau của cháu vẫn không được cải thiện. Sau khi ra viện, gia đình lại cho cháu đi khám ở một bệnh viện khác, uống thuốc aspergic kết hợp với ibuprofen thì tình trạng đau có giảm, tuy nhiên chỉ đỡ trong vài giờ đồng hồ, sau đó cháu lại lên cơn đau vật vã. Người nhà lại tiếp tục cho cháu đi khám ở nhiều viện, làm các xét nghiệm với nhiều chẩn đoán khác nhau: huyết học, K, lao... vẫn không tìm ra nguyên nhân. Về nhà, gia đình lại đưa bé đi khám và điều trị kết hợp cả Đông y và châm cứu nhưng triệu chứng đau vẫn không thuyên giảm. Ngày 24/8/2015, cháu H. được gia đình đưa đến Khoa Chấn thương chỉnh hình - Bệnh viện Xanh Pôn khám vì bị đau nhiều ở cổ chân trái, đi lại tập tễnh.
Hết đau sau 1 giờ nhờ mổ nội soi khớp cổ chân
PGS.TS.BS. Trần Trung Dũng - người trực tiếp khám cho bệnh nhân cho biết: Sau khi khám lâm sàng, tình trạng bệnh nhân không sốt, đau nhức nhiều trong cổ chân trái, đi lại tập tễnh và phải dùng nạng chống, khi ấn vào giữa nếp gấp cổ chân thấy rất đau... nên cho chỉ định chụp cắt lớp vi tính, cộng hưởng từ... Phó Giám đốc, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh Bệnh viện Xanh Pôn, TS. Bùi Văn Giang chẩn đoán: Trên phim chụp cắt lớp vi tính khớp cổ chân bên trái thấy có ổ tổn thương hình tròn đường kính khoảng 1cm, ở vị trí cổ xương sên, sát ngay dưới bề mặt sụn khớp, trung tâm ổ là vùng đặc xương, xung quanh là vùng thấu quang (nidus), ngoài cùng là viền xơ xương. Trên phim chụp cộng hưởng từ, khớp cổ chân thấy có hình ảnh giảm tín hiệu trên T1 do phù tủy xương xung quanh khối u và tăng tín hiệu trên T2. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ kết luận cháu H. bị u xương dạng xương (osteoid osteoma) khá điển hình cả về mặt lâm sàng và chẩn đoán hình ảnh.
Theo PGS.TS.BS. Trần Trung Dũng, u xương dạng xương là loại u xương nguyên phát lành tính, chiếm tỷ lệ khoảng 2-3% trong các loại u xương và thường gặp ở người trẻ tuổi, 90% ở độ tuổi 9-25 tuổi. Khối u thường xuất hiện ở các xương dài, đặc biệt là xương đùi và xương chày (75%). Sự xuất hiện của loại u này ở khớp cổ chân, đặc biệt ở xương sên là rất hiếm, chỉ chiếm khoảng 2% các trường hợp u xương dạng xương.
Thông thường điều trị chủ yếu bằng phẫu thuật lấy bỏ khối u, mổ nội soi khớp cổ chân ít khi được tiến hành. Ở trường hợp cháu H., vị trí khối u ở ngay sát dưới sụn của cổ xương sên và bề mặt sụn của xương sên khá nham nhở trên phim chụp cắt lớp vi tính và cộng hưởng từ là gợi ý chỉ điểm cho các bác sĩ tiến hành phẫu thuật nội soi khớp cổ chân lấy u.
Sau khi hội chẩn, các bác sĩ đã áp dụng phương pháp mổ nội soi khớp cổ chân trái bằng 2 ngõ vào chính là ngõ vào phía trong (medial portal) và phía ngoài (lateral portal) mặt trước khớp cổ chân, ngoài ra thêm 1 ngõ vào phụ ở giữa khớp cổ chân để tiện thao tác, với đường rạch mỗi ngõ vào khoảng 0,5cm. Khi vào khớp, sau khi dọn tổ chức màng hoạt dịch viêm, qua thám sát toàn bộ khớp cổ chân, phát hiện vị trí bất thường của bề mặt sụn cổ xương sên tương ứng với vị trí nghi ngờ trên phim chụp cắt lớp vi tính và cộng hưởng từ. Sau khi làm sạch sụn khớp bất thường ở cổ xương sên, khối u đã được bộc lộ, với ổ đặc xương ở vùng trung tâm. Các bác sĩ và kỹ thuật viên đã lấy bỏ khối u bằng Curet và các dụng cụ nội soi, đến tổ chức xương lành thì dừng lại, kiểm tra các vùng còn lại của khớp cổ chân không thấy các tổn thương khác. Tiến hành rửa khớp và khâu vết mổ. Bệnh nhân được hướng dẫn tỳ chân muộn sau mổ.
PGS.TS.BS. Trần Trung Dũng cho biết: Ngày đầu sau mổ, bệnh nhân ngủ ngon, hết đau hoàn toàn mà không cần dùng đến thuốc giảm đau. Phim chụp cắt lớp vi tính sau mổ cho thấy khối u đã được lấy hết.
Sau 3 ngày phẫu thuật, bệnh nhân được xuất viện, tỳ chân bên trái muộn, đi lại có nạng hỗ trợ, tái khám định kỳ theo hẹn. Kết quả giải phẫu bệnh sau mổ phù hợp với chẩn đoán u xương dạng xương trước mổ.
Điều này cho thấy tiên đoán và mạnh dạn áp dụng nội soi khớp cổ chân là phương pháp phẫu thuật ít xâm lấn, có nhiều ưu điểm, trả lại sự diệu kỳ đôi chân cho bệnh nhân.
Nói về ưu điểm của phương pháp nội soi nói chung và nội soi khớp cổ chân nói riêng, PGS.TS.BS. Trần Trung Dũng cho biết: Phương pháp này có thể thám sát toàn bộ khớp cổ chân và các tổn thương liên quan với 2 đường rạch da khoảng 0,5cm để tạo ngõ vào, đặc biệt giá trị trong trường hợp đã can thiệp mổ mở trước đó. Thời gian phẫu thuật được rút ngắn, kỹ thuật không quá phức tạp, vừa có giá trị chẩn đoán, vừa có giá trị điều trị. Quá trình phục hồi chức năng sau mổ đơn giản, giảm thiểu được các nguy cơ như nhiễm khuẩn, cứng khớp cổ chân,... so với mổ mở. Đối với các tổn thương nội khớp hoặc dưới sụn thì chỉ định nội soi khớp cổ chân gần như là tuyệt đối, thể hiện ưu điểm vượt trội so với mổ mở. Điều đó còn giúp bệnh nhân giảm được chi phí và phục hồi sức khỏe nhanh chóng sau khi phẫu thuật.
Bài: Nguyễn Khánh
Link: http://suckhoedoisong.vn/ban-can-biet-ve-y-hoc/mo-noi-soi-khop-co-chan-dieu-tri-u-xuong-hie-m-ga-p-2015091613073899.htm
PGS. TS Trần Trung Dũng