Ngày nay, các nguyên nhân của biểu hiện tê bì các ngón tay ngày càng được hiểu rõ, trong đó tình trạng chèn ép thần kinh ở vùng cổ tay trong hội chứng ống cổ tay có lẽ là 1 căn nguyên khá phổ biến. Về bản chất, chèn ép thần kinh giữa trong hội chứng ống cổ tay là tình trạng chèn ép cơ học mà trong đó trên 90% các trường hợp là không rõ căn nguyên cụ thể, một số yếu tố được nhắc đến trong các trường hợp này như
tình trạng tăng áp lực khoảng kẽ. Khoảng 10% các trường hợp còn lại do các chèn ép có nguyên nhân rõ ràng như sau chấn thương, lắng đọng tổ chức trong bệnh lý chuyển hoá như Gout, … Chỉ định mổ được cân nhắc đến khi các điều trị nội khoa và vật lý trị liệu không cải thiện, biểu hiện chèn ép cơ học rõ mà theo kinh nghiệm của chúng tôi thể hiện ở hai yếu tố: 1 là biến đổi tín hiệu dẫn truyền thần kinh trên điện sinh lý thần kinh và 2 là biến đổi hình thái thần kinh trên thăm dò hình ảnh (chủ yếu bằng
siêu âm).
Khi được cân nhắc chỉ định phẫu thuật, khá nhiều bệnh nhân cũng như ngay cả các phẫu thuật viên cũng e ngại là những phiền toái do sẹo mổ đem lại. Việc cân nhắc giữa giải phóng thần kinh để cải thiện triệu chứng với những khó chịu do sẹo mổ như đau, khó chịu khi bị cọ xát hay 1 số trường hợp sẹo viêm dính gây chèn ép tái phát thần kinh là yếu tố chính làm e ngại cân nhắc việc phẫu thuật hay không. Việc trì hoãn thời điểm phẫu thuật có thể làm tình trạng bệnh tiến triển nặng hơn và có thể lỡ mất thời điểm tốt để phẫu thuật.
Việc cải tiến các kỹ thuật phẫu thuật đều nhằm mục tiêu hướng tới giảm phiền toái do phẫu thuật đem lại mà chủ yếu là vấn đề sẹo mổ cũng như tăng mức độ an toàn cho phẫu thuật. Các kỹ thuật phẫu thuật từ kinh điển với đường mổ lớn đến các đường mổ nhỏ ít xâm lấn và hiện đại hơn là các kỹ thuật với sự hỗ trợ của nội soi làm giảm thiểu kích thước sẹo mổ, vị trí sẹo mổ để giảm thiểu các khó chịu do sẹo mổ đem lại nhờ đó việc phẫu thuật trở nên nhẹ nhàng hơn, chỉ định can thiệp phẫu thuật có thể tiến hành ở giai đoạn sớm hơn giúp cho cải thiện triệu chứng cũng như hồi phục thần kinh được thuận lợi hơn.
Những kỹ thuật nội soi chủ yếu có thể được chia ra 2 nhóm chính là
kỹ thuật nội soi 2 lỗ (với kỹ thuật tiêu biểu là của tác giả Chow,
kỹ thuật này đã được chúng tôi triển khai cách đây gần 10 năm) và các kỹ thuật 1 lỗ với sử dụng 1 tay cầm dụng cụ có gắn camera và dao cắt đồng thời giúp cho việc đưa đường rạch da ra xa vị trí nhạy cảm của bàn tay nhờ đó làm giảm thiểu các khó chịu do sẹo mổ đem lại. Với kỹ thuật 2 lỗ, bệnh nhân vẫn phải chịu 1 sẹo mổ ở vùng gan tay nên mức độ phiền toái sau mổ vẫn còn. Hiện nay, với kỹ thuật nội soi 1 lỗ giúp giảm thiểu tối đa các khó chịu do sẹo mổ đem lại làm cho phẫu thuật có thể thực hiện ở giai đoạn sớm giúp thần kinh hồi phục nhanh hơn.
Các thương tổn thần kinh ngoại biên có xu thế ngày càng được phát hiện sớm nhờ vào các phương tiện thăm dò chẩn đoán. Việc thực hiện các can thiệp phẫu thuật đúng lúc giúp cho ngăn ngừa tiến triển nặng của bệnh và phục hồi thần kinh tốt tuy nhiên những phiền toái do phẫu thuật đem lại là yếu tố làm bệnh nhân và ngay cả các phẫu thuật viên cũng e ngại và cân nhắc. Kỹ thuật nội soi giúp giảm sự phiền toái do phẫu thuật 1 cách tối đa tuy nhiên, việc am hiểu sâu về cấu trúc giải phẫu cũng như thuần thục về kỹ thuật là những yếu tố quan trọng giúp cho cuộc mổ an toàn và thành công.
PGS. TS Trần Trung Dũng