Thay toàn bộ xương cánh tay cho tổn thương không phải ung thư trên thế giới
Việc phục hồi toàn bộ xương cánh tay sau phẫu thuật ung thư xương cánh tay cũng không phải quá hiếm gặp (khoảng hơn 80 ca trên thế giới) trong đó tại Việt Nam cũng đóng góp khoảng 10 ca cho đến nay. Tổn thương xương cánh tay do nguyên nhân lành tính, không phải ung thư mà phải chỉ định thay toàn bộ xương cánh tay thì còn hiếm gặp hơn nữa, trên thế giới mới ghi nhận 2 ca được báo cáo vào năm 1977 (
https://boneandjoint.org.uk/Article/10.1302/0301-620X.59B3.330543/pdf) và năm 2002 (
http://lhcnews.sicot.org/resources/File///IO_reports/01-2002/4-01-2002.pdf). Cả hai ca đều nằm trong tình huống mất xương cánh tay lớn, 1 ca sau viêm xương và 1 ca sau gãy xương, khớp giả và thất bại trong điều trị bảo tồn và phẫu thuật rất nhiều lần. Một bệnh nhân 48 tuổi và 1 bệnh nhân 66 tuổi, cả hai bệnh nhân đều gặp phiền toái vì chức năng vai và khuỷu bị ảnh hưởng, kèm theo các khó chịu do tình trạng viêm xương tuỷ xương mạn tính. Lựa chọn phẫu thuật thay toàn bộ xương cánh tay cho hai bệnh nhân bởi 2 nhóm phẫu thuật viên không hề dễ dàng, gần như là lựa chọn cuối cùng sau rất nhiều lần can thiệp phẫu thuật trước đó bằng các kỹ thuật khác nhau. Và đó cũng là tình huống của chúng tôi.
Hình 1: Hình ảnh x quang trước mổ của bệnh nhân thứ 2 năm 2002
Hình 2: Hình ảnh trong mổ của bệnh nhân thứ 2 năm 2002
Hình 3: Hình ảnh x quang sau mổ của bệnh nhân thứ 2 năm 2002
Hình 4: Hình ảnh x quang tổn thương trước mổ (A), thiết kế được biệt của xương cánh tay nhân tạo
với cấu phần kim loại và cấu phần nhựa (B,C) và x quang sau mổ
Giới thiệu ca bệnh
Bệnh nhân nam, 54 tuổi, chấn thương gãy xương cánh tay cách 40 năm, được điều trị phẫu thuật kết hợp xương, sau đó nhiễm trùng, được mổ thêm 2 lần nữa nạo viêm và dùng kháng sinh, tình trạng nhiễm trùng ổn định, tuy nhiên xương viêm tiêu nhiều và bệnh nhân được khuyên chung sống với tổn thương đó. Theo thời gian, vào độ tuổi trung niên, chức năng khớp vai và khuỷu bị ảnh hưởng nhiều hơn, sinh hoạt vận động khó khăn hơn, đặc biệt các động tác nâng tay rất khó do mất liên kết giữa khớp vai và khớp khuỷu nên bệnh nhân thường phải dùng lực văng để nâng tay và sau đó tỳ phần khuỷu tay vào thân mình để giữ, rất bất tiện trong sinh hoạt. Với nguyện vọng được cải thiện chức năng vận động của tay để chất lượng cuộc sống được tốt hơn, bệnh nhân đã được thăm khám với ekip của chúng tôi.
Qua thăm khám và đánh giá, chức năng khớp vai gần như không có, việc nâng và giữ phần cẳng tay của bệnh nhân được thực hiện bằng cách tỳ khuỷu tay vào thân mình. Trên phim Xquang, cắt lớp và cộng hưởng từ, phần xương cánh tay ở đầu trên chỉ còn chỏm xương cánh tay và có xu hướng bán trật khỏi khớp vai, các cơ chóp xoay gần như thiểu sản, thoái hoá, không còn chức năng. Phần khớp khuỷu chỉ còn 1 phần của khối lồi cầu, gần như đã tạo thành tình trạng dính khuỷu (có lẽ do không có vận động khớp và thói quen tỳ khuỷu vào thân mình để nâng tay). Điện sinh lý thần kinh cho thấy các cơ delta, tam đầu, nhị đầu còn tốt, chức năng thần kinh quay, giữa, trụ bình thường. Do tổn thương kéo dài 40 năm nên khoảng cách giữa khớp vai và khớp khuỷu (đánh giá khi cho kéo giãn với tạ) ngắn hơn tay lành khoảng gần 17cm.
Hình 5: HÌnh ảnh x quang trước mổ của bệnh nhân
Hình 6: Các tính toán thiết kế
Hình 7: x quang sau mổ
Không còn cơ hội cho các biện pháp phục hồi khuyết hổng xương lớn nữa vì kèm theo các tổn thương ở cả khớp vai và khuỷu, phương án can thiệp được đưa ra là “thay toàn bộ xương cánh tay với thiết kế khớp vai đảo ngược ở đầu trên” để nhằm mục đích tận dụng cơ delta còn tương đối nguyên vẹn để thực hiện động tác nâng vai và tạo lại liên kết giữa khớp vai và khớp khuỷu của bệnh nhân để cải thiện chức năng vận động. Cùng với phẫu thuật là chế độ phục hồi chức năng đặc biệt cho các nhóm cơ mà đã 40 năm nay không thực hiện chức năng vận động bình thường. Sự khó khăn của phẫu thuật rất lớn, đặc biệt là sự biến đổi vị trí các cấu trúc giải phẫu thần kinh mạch máu do tổn thương mổ đi mổ lại nhiều lần từ khi bệnh nhân còn nhỏ, rất may mắn với sự tính toán kỹ lưỡng, không có tai biến nào xảy ra. Việc phục hồi được chức năng khớp vai và mối liên kết khớp vai và khuỷu giúp cho việc cải thiện chức năng vận động cũng như chất lượng cuộc sống của bệnh nhân rất nhiều.
Kết quả đã được đăng tải trên tạp chí quốc tế (
https://doi.org/10.1016/j.ijscr.2023.108326) và trong những thông tin có được trên y văn thì đây là ca thứ 3 thay toàn bộ xương cánh tay cho những bệnh nhân không phải ung thư trên thế giới sau 2 ca được công bố (có đường link phía trên).
GS. TS Trần Trung Dũng