Học Y có vui không? Vui lắm. Thật đấy
Đối với tôi, quãng thời gian học đại học Y thật vui và nhiều kỷ niệm. Trừ năm thứ nhất học hành hơi lủng củng chút vì đang tư duy học chuyên hơi amateur thì phải học theo cách nạp vào đầu khối lượng kiến thức nhiều quá. Quen với cách tư duy phân tích và giải quyết các vấn đề cụ thể kiểu Toán sang việc phải tích luỹ tri thức nhiều và liên tục kiểu học thuộc làm cậu sinh viên năm Nhất nhiều lúc phân vân: hay mình chọn nhầm nghề nhỉ? Chưa kể còn có 1 vài điều làm “tâm hồn sao động” chút
Sự phân vân cũng không quá lâu khi tôi bắt đầu tìm được các niềm vui khác, phát huy được các thế mạnh tích luỹ từ thời học chuyên cấp 3 là công việc gia sư.
Thương hiệu “sinh viên trường Thuốc”, uy tín của 1 “học sinh trường chuyên” kèm theo khả năng “sư phạm chém gió” làm tôi khá đắt sô. Ngày đi học, tối đi gia sư nên mặc dù “gia cảnh cũng không bần hàn” gì nhưng tiền bạc cũng khá rủng rỉnh và chủ động. Rủng rỉnh đến mức là có thời gian tôi còn tham gia nghiên cứu và đầu tư vào “trò chơi trí tuệ” và “đều như vắt tranh” ngày nào tầm 18h, cũng tập trung theo dõi, nghe bản nhạc “làm tan nát con tim” của bao người trên sóng truyền hình quốc gia. Phải nói là “trò chơi trí tuệ” giúp rèn luyện cảm xúc kinh khủng các bạn ạ
Công việc gia sư tuy ổn định nhưng cảm xúc với công việc này giảm dần và tôi chỉ duy trì được đến cuối năm thứ 2 sau khi tìm được công việc mới hứng thú hơn. Hè năm 2, nhân dịp về chơi nhà cậu bạn ở thành phố Hải Dương, chém gió với nhau và ý tưởng lớn gặp nhau, chúng tôi quyết định làm startup bánh đậu xanh, trở thành nhà phân phối độc quyền của 1 thương hiệu bánh đậu xanh mới, trước mắt cho thị trường Hà Nội
Việc phát triển thị trường cho sản phẩm mới không dễ như mình tưởng do lúc đó, các thương hiệu khác đã tràn ngập thị trường, có chỗ đứng vững chắc như “Rồng Vàng Minh Ngọc”, “Hương Nguyên”, “Nguyên Hương”,… rất nhiều thách thức nhưng càng làm cho mấy anh em hứng thú. Ngoài việc thuê kho bãi và nhân viên trực điện thoại cố định, chúng tôi còn có cả điện thoại di động và cardvisit, cùng với đó là trong cặp lúc nào cũng có hàng mẫu (đôi khi để ăn lúc quá bữa) cùng với sách vở. Buồn cười nhất là để tiết kiệm, cardvisit 1 mặt ghi tên 1 người chức danh “tổng giám đốc”, mặt kia ghi tên 1 người với chức danh “chủ tịch hội đồng quản trị” với chung 1 số điện thoại di động, đúng là kiểu “công ty vô trách nhiệm vô hạn”. Cứ chiều chiều, học xong là lên đường đi tiếp thị sản phẩm, trổ đủ các thể loại tài năng “thuyết khách” kèm theo thương hiệu “sinh viên trường Y” như sự bảo chứng cho sự tử tế trong làm ăn. Ngay từ thời điểm đó, những nhận thức về giá trị thương hiệu, uy tín đã hình thành trong suy nghĩ của mỗi chúng tôi và giúp ích rất nhiều cho công việc nghề nghiệp hàng ngày sau này.
Mất khoảng 6 tháng, chúng tôi đã xây dựng được 1 mạng lưới hơn 200 cửa hàng bán lẻ và có chỗ đứng nhất định trên thị trường, đội ngũ cộng tác rộng hơn, thậm chí có đại lý ở khu vực Xuân Mai Hoà Bình của mấy bạn sinh viên trường Lâm Nghiệp cũng xuống “ăn hàng. Sản phẩm ngoài bánh đậu xanh, có thêm mè xửng Huế, bánh gai, thuốc lào, rồi năm 1998 còn làm cup để ăn theo mùa Worldcup,…Chúng tôi còn tham gia triển lãm và bán hàng hội chợ Xuân (lúc đó là hội chợ lớn nhất dịp tết) tạo công ăn việc làm cho 1 số bạn sinh viên. Tiền bạc rủng rỉnh hơn nhưng không quan trọng bằng việc nhận thức là thiếu hụt kiến thức quản lý kinh doanh, thậm chí chúng tôi đã nghĩ đến việc ghi danh học thêm về Quản trị kinh doanh tại Viện Đại Học Mở vì có thể học ngoài giờ và tự học. Nếu theo đuổi, biết đâu hôm nay đã thành “doanh nhân thành đạt”
Những lăn lộn vào cuộc sống làm chúng tôi hiểu cuộc sống hơn, tích luỹ được những trải nghiệm vô cùng quý giá đóng góp cho sự phát triển công việc và sự nghiệp sau này. Cuộc dạo chơi trong kinh doanh của chúng tôi kéo dài sang đầu năm thứ 5 ở trường Y và giảm dần không phải vì câu chuyện kinh doanh sa sút mà vì những trải nghiệm có được trong cuộc dạo chơi đó giúp chúng tôi nhận thức về ý nghĩa của công việc ngành Y sâu sắc hơn và quay trở lại tập trung nhiều hơn cho việc học tập. Ngành Y không đơn thuần là 1 nghề (để kiếm sống) mà cao hơn đó, là 1 sự nghiệp tạo ra các giá trị tốt hơn cho cuộc sống cả ở khía cạnh chăm sóc sức khoẻ và đào tạo.
Không ai nghĩ rằng, những chàng “sinh viên trường Thuốc” năm đó, chiều chiều chở thùng hàng to đùng sau xe đi giao hàng rồi tụ tập uống bia, chém gió về thị trường, về kinh doanh, về hoài bão phát triển ngày đó thì nay đều là những bác sĩ thành đạt cả về chuyên môn cũng như vị trí quản lý, người là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, đều là trưởng khoa và giám đốc các trung tâm, 1 người là chủ 1 thẩm mỹ viện có tiếng, phải chăng đó cũng nhờ những trải nghiệm của “cuộc sống ngoài giảng đường đại học” ngày xưa
Sự đặc biệt của nghề Y là phải làm việc, tiếp xúc với các bệnh nhân “khách hàng” rất đa dạng cả về trình độ nhận thức, học vấn, điều kiện kinh tế và nhu cầu chăm sóc sức khoẻ khác nhau. Người bác sĩ không chỉ phải giỏi chuyên môn mà đôi khi phải “uyên thâm” cả các kiến thức “ngoài y học” để trong công việc khám chữa bệnh mới có thể đàm đạo, tương tác với bệnh nhân ở mức độ gắn kết cao bằng sự tin tưởng. Nhờ đó, việc điều trị bao gồm cả phẫu thuật mới đạt được những kết quả cao nhất. Những trải nghiệm “cuộc sống ngoài giảng đường đại học” có lẽ sẽ giúp tạo ra người bác sĩ có hiểu biết cuộc sống hơn, tầm nhìn, định hướng tốt để có thể phục vụ bệnh nhân tốt hơn. Phải không nhỉ ???
Nếu được trở lại, có lẽ tôi sẽ vẫn đi làm gia sư, buôn bánh đậu và thậm chí còn muốn trải nghiệm thêm 1 số thứ nữa của “cuộc sống ngoài giảng đường đại học” để có thể hiểu hơn nữa cuộc sống này. Để đạt được “sự thấu cảm” không phải dễ dàng bằng lý thuyết, bài giảng mà chắc chắn đó phải nhờ “sự trải nghiệm”. Hãy cố gắng “trải nghiệm” hơn nữa nhé, các “sinh viên trường Y”
Hình: Tôi trong mắt mọi người khi tôi nói tôi là bác sĩ chấn thương chỉnh hình
GS.TS Trần Trung Dũng