Trong phẫu thuật thay khớp gối, việc đặt phần lồi cầu đùi nhân tạo và phần mâm chầy nhân tạo hoàn hảo có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc có được các kết quả lâm sàng tốt sau phẫu thuật. Những kết quả từ các theo dõi lâm sàng cho thấy có sự khác nhau khá rõ rệt khi đánh giá ở khía cạnh chức năng và động học. Sự khác nhau này đôi khi được cho là do sự khác biệt trong thiết kế của khớp nhân tạo hoặc kỹ thuật phẫu thuật, tuy nhiên gần đây kỹ thuật căn chỉnh vị trí khớp nhân tạo được coi là 1 yếu tố quan trọng. Những sai số trong căn chỉnh khi phẫu thuật thay khớp gối nhân tạo sẽ được đánh giá như là yếu tố ảnh hưởng bởi kỹ thuật phẫu thuật. Rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng động học khớp gối sau thay khớp gối nhân tạo không hoàn toàn giống với khớp gối tự nhiên tuy nhiên cũng chưa nhiều bằng chứng cho thấy có liên quan chặt chẽ với kết quả lâm sàng.
Có 3 kỹ thuật căn chỉnh trong phẫu thuật thay khớp gối là: theo giải phẫu (anatomic alignment), theo cơ học (mechanical alignment) và theo động học (kinematic alignment). Hai kỹ thuật theo giải phẫu và theo cơ học khá quen thuộc và dễ hiểu vì thực hiện các lát cắt xương dựa trên tham chiếu trục giải phẫu hoặc trục cơ học của xương và chi. Rất nhiều báo cáo lâm sàng cho thấy một số bệnh nhân sau phẫu thuật thay khớp gối với kết quả phục hồi chức năng tốt về mặt cơ học nhưng bệnh nhân vẫn than phiền về đau, hạn chế vận động, lỏng gối,... Về cơ bản có thể hiểu kỹ thuật căn chỉnh theo giải phẫu và theo cơ học dựa trên 2 chiều không gian (2D) là trước sau và trong ngoài do đó việc đánh giá sau phẫu thuật bằng các phim x quang thường quy chủ yếu cũng chỉ khẳng định được độ chính xác của phẫu thuật về mặt thông số và do đó trong 1 số trường hợp cũng không lý giải được 1 số kết quả chưa thật như mong muốn sau phẫu thuật dù kết quả chụp phim tốt. Kỹ thuật căn chỉnh theo động học quan tâm đến việc phục hồi các trục chuyển động của khớp gối trước và về nguyên tắc nếu phục hồi được các trục chuyển động cua gối thì các trục giải phẫu và trục cơ học cũng được phục hồi chính xác.
Hình 1: Các trục liên quan đến kỹ thuật thay khớp gối
Có 3 trục chuyển động của khớp gối được quan tâm trong kỹ thuật căn chỉnh theo động học:
- Một là trục chuyển động tròn của mâm chầy: có thể coi vận động gấp duỗi gối là sự chuyển động của mâm chầy quanh lồi cầu đùi, quanh 1 trục tưởng tượng trong không gian
- Hai là trục chuyển động của xương bánh chè: cũng khái niệm tương tự như mâm chầy, trục này sẽ song song và nằm trước và trên trục chuyển động của mâm chầy
- Ba là trục chuyển động xoay trong và xoay ngoài của mâm chầy so với lồi cầu: trục này vuông góc với 2 trục trên
Hình 2: Các trục của khớp gối
Một điều không may là 3 trục trên không đồng nhất với các trục của các mặt phẳng giải phẫu khi khảo sát bằng các phương tiện chẩn đoán hình ảnh vì vậy không dễ dàng khảo sát trước mổ nếu không có các phần mềm hỗ trợ. Hơn nữa là, các thiết kế của các khớp nhân tạo truyền thống thường sẽ khó đạt được các thông số cần thiết phù hợp với bệnh nhân vì căn chỉnh dựa trên động học gối hướng tới cá thể hoá. Một số nỗ lực của các nhà nghiên cứu và sản xuất để có được những lựa chọn sẵn có rộng rãi hơn cho các phẫu thuật ứng dụng nguyên tắc này đang được tiến hành. Hy vọng trong tương lai không xa, các kết quả của phẫu thuật thay khớp gối tiếp tục được cải thiện hơn nữa nhờ các kết qur nghiên cứu này.