9 tháng trước, đáp chuyến bay muộn vào Sài gòn, chúng tôi vội đến thẳng bệnh viện để khám cho 1 bệnh nhân dự kiến phẫu thuật ngày hôm sau. Bệnh nhân là 1 sinh viên đại học năm thứ 3, phát hiện ung thư xương trước đó 3 tháng nhưng không được điều trị bài bản nên khối u tiến triển, gãy xương bệnh lý và xuất hiện các tổn thương ở phổi. Hồ sơ bệnh án đã được chúng tôi hội chẩn trước đó 1 tuần và thống nhất quyết định phẫu thuật ngay mà không hoá chất tiền phẫu do tình trạng bệnh nhân mất máu, suy nhược không đủ khả năng để điều trị hoá chất ngay và được chính ông bạn Martinez, 1 chuyên gia về hoá chất ung thư xương đề xuất với tôi phải mổ ngay mặc dù “lão ấy” khá là nguyên tắc, nguyên tắc 1 cách bảo thủ (kệ, lão không chơi “phây” nên cứ nói xấu tý).
Hình 1: Bệnh nhân trên giường bệnh vào đêm trước hôm mổ 9 tháng trước đó.
Trước mặt chúng tôi là cậu bé xanh xao, gầy gò chắc được khoảng 45kg, gương mặt ánh lên vẻ tuyệt vọng với cái chân bị tổn thương sưng to như quả bóng được bất động 1 cái nẹp bột sơ sài. Gặp chúng tôi, cậu bé lo lắng nhưng ánh nhìn toát lên sự hy vọng hỏi luôn: “Bác ơi, chân cháu có giữ được không?”. Tôi nhìn thẳng vào mắt cậu bé, khẳng định chắc nịch: “Chắc chắn chân cháu sẽ giữ được”. Hai dòng nước mắt chảy dài trên gương mặt cậu bé nhưng ánh mắt đã ngời lên sức sống và sự tin tưởng, bố mẹ cháu cũng quay mặt đi, dụi mắt. Tôi động viên: “Cháu cố gắng ngủ, giữ sức cho cuộc chiến đấu ngày mai, chúng ta cùng cố gắng”.
Ông bạn già Martinez đã trao đổi với tôi trong cuộc hội chẩn trước đó là: “Theo tao, mày nên tháo khớp háng để tao tập trung hoá chất điều trị tổn thương di căn phổi” nhưng khi nhìn phản ứng biểu cảm của bệnh nhân và gia đình như vậy cũng phải đồng ý với tôi là quyết tâm giữ chân cho cháu. Lần đầu tiên chúng tôi đạt được cái đồng thuận nho nhỏ cho 1 ca đại phẫu thuật “Thay toàn bộ xương đùi” và cũng là ca đầu tiên thực hiện tại Sài gòn.
Hình 2: Ekip phẫu thuật
Ca mổ nặng, kéo dài gần 7 tiếng đồng hồ, tháo bỏ xương đùi, thay xương đùi nhân tạo, cắt ghép 1 đoạn động mạch đùi nhưng cả ekip làm việc quên cả mệt mỏi. Vì có cắt ghép mạch nên 1 bác sĩ mạch máu của ekip phải đổi vé ở lại thêm 1 ngày để theo dõi và ban giao cụ thể, đảm bảo an toàn bệnh nhân. Ngay khi tỉnh lại sau mổ, cậu bé lại khóc khi nhận thấy cái chân của mình vẫn còn nguyên, bàn chân vẫn cử động được, niềm tin và động lực đã trở lại và giúp cho cậu trở nên mạnh mẽ.
Việc điều trị hoá chất sau mổ được tiến hành sớm với kết quả thuận lợi, các tổn thương phổi được kiểm soát, không phát hiện tiến triển tăng, tình trạng tại chỗ ổn định, cháu đi lại tốt, sức khoẻ tốt, tăng thêm 10kg và chuẩn bị quay trở lại trường tiếp tục việc học hành bị gián đoạn do bệnh tật. Mặc dù thời gian theo dõi chưa dài, mới được 9 tháng nhưng bạn tôi, Martinez và William, cũng phải vô cùng ngạc nhiên và thán phục khi gặp bệnh nhân khoẻ mạnh, đi lại thoải mái tự nhiên trên đôi chân của mình mà không cần bất cứ dụng cụ hỗ trợ nào và quan trọng hơn các hình ảnh và xét nghiệm cho thấy bệnh đang được kiểm soát ổn định.
Hình 3: Bệnh nhân chụp hình cùng bác sĩ Dũng và bác sĩ Martinez
Hình 4: Bs William, Bs Martinez và Bs Dũng
Cuộc phẫu thuật không còn là giải quyết khối u, can thiệp vào thể chất của bệnh nhân đơn thuần nữa mà thực sự nó đã chạm vào tinh thần, vực dậy sức chiến đấu với bệnh tật, sự khát khao sống và cống hiến. Tôi vẫn thường trao đổi với anh em trẻ, đối với ung thư, khi bệnh nhân và gia đình buông tay thì trình độ bác sĩ có giỏi đến mấy cũng không giải quyết được vấn đề cho bệnh nhân. Việc điều trị không chỉ nhờ bàn tay phẫu thuật khéo léo, tri thức và kinh nghiệm của người bác sĩ mà còn phải là động viên, chia sẻ để giúp người bệnh có 1 tinh thần tốt, lạc quan và quyết tâm chiến đấu chống lại bệnh tật.
Cuộc sống đôi khi gặp phải những hoàn cảnh éo le, là bác sĩ đôi khi gặp phải những tình huống nan giải, tiến thoái lưỡng nan, không có guideline hay chuyên gia nào có kinh nghiệm trước đó như ca mổ ngày hôm nay. Bệnh nhân bị 2 tổn thương ung thư đại trực tràng và ung thư xương cùng lúc, đã có di căn phổi. Vô cùng nan giải? Rà soát y văn chưa tìm được thông báo nào? Các chuyên gia cũng chưa ai có kinh nghiệm? Họp hội đồng Ung thư cơ xương khớp mà có đến 5 phút không ai biết nói gì. Những thứ tự ưu tiên được đặt ra và bắt đầu tính toán, cân nhắc rất nhiều yếu tố chủ quan, khách quan, tinh thần, xã hội, … để đưa ra 1 phương án điều trị cho bệnh nhân trong đó có giải pháp cắt u và thay toàn bộ xương đùi ngày hôm nay như 1 khâu của cả quá trình điều trị. Sự lựa chọn không chỉ dựa trên trình độ kiến thức, kinh nghiệm, tay nghề mà còn phải dựa vào sự mách bảo của linh cảm, con tim của người bác sĩ, đó là đỉnh cao của sự thấu cảm. Việc điều trị không chỉ cho thể chất, tinh thần của bệnh nhân mà đôi khi còn cho chính cả gia đình, những người xung quanh của người bệnh.
P/S: nhân ngày mổ ca thay toàn bộ xương đùi thứ 2 tại Sài gòn … thành công.
Link bài viết cũ:
https://m.facebook.com/story.php?story_fbid=6545467432180531&id=100001520164001
GS. TS Trần Trung Dũng