UNG THƯ XƯƠNG ĐÃ DI CĂN: CẮT CỤT HAY BẢO TỒN CHI ???
Dù không muốn nhắc đến nhưng ung thư nói chung và ung thư xương nói riêng vẫn là câu chuyện mà chúng ta đang phải đối đầu. Việc phát hiện sớm rất quan trọng và thậm chí có thể coi là chữa khỏi nhưng đáng buồn là tỷ lệ phát hiện muộn vẫn còn cao, tại Việt Nam đa số vẫn là độ IIA, IIB và thậm chí độ III với di căn phổi là phổ biến.
Đối với độ III, tâm lý chung hay cho rằng là giai đoạn cuối và không còn nhiều hy vọng nhưng thực ra không phải vậy, những tiến bộ trong điều trị hoá chất cũng như phẫu thuật giúp kéo dài, duy trì và cải thiện chất lượng sống của bệnh nhân 1 cách đáng kể. Việc phẫu thuật đối với ung thư xương đã không dừng ở việc can thiệp tại chỗ khối u nguyên phát ở chi thể mà còn tiến tới loại bỏ các khối di căn ở phổi và thậm chí ở não. Có thể coi chiến đấu với ung thư như 1 cuộc chiến mà ở đó bệnh nhân và thầy thuốc ở cùng 1 chiến tuyến, sát cánh với nhau để chống lại căn bệnh này 1 cách bền bỉ, luôn cảnh giác phát hiện kịp thời và xử lý ngay và triệt để.
Quay trở lại với câu hỏi ở tiêu đề bài viết, không may bệnh nhân phát hiện ung thư xương đã có di căn phổi, vậy xử lý khối u ở chi thể như thế nào? Cắt cụt hay bảo tồn? Tư duy “kinh điển” cho rằng việc cắt cụt có ý nghĩa “triệt để” bao gồm không tái phát tại chỗ và di căn, điều này đúng 1 cách tương đối đối với những trường hợp chưa phát hiện di căn. Vậy khi đã di căn rồi thì cắt cụt sẽ có ý nghĩa gì? Nó sẽ có ý nghĩa duy nhất trong trường hợp khối u tại chỗ xâm lấn mạch, thần kinh làm cho bệnh nhân đau đớn hoặc chi thể mất chức năng còn các trường hợp khác thì không có ý nghĩa gì khác mà thậm chí tạo thêm stress tâm lý cho bệnh nhân và gia đình.
Đối với các thầy thuốc điều trị bệnh nhân ung thư, khái niệm “chăm sóc giảm nhẹ” (palliative care) gần như thuộc nằm lòng, nôm na là xác định không điều trị triệt căn được ung thư cho bệnh nhân nữa thì làm sao cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân bằng nhiều biện pháp y học, tâm lý, xã hội,… Cụ thể theo Bộ Y tế Việt Nam: Chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân ung thư và AIDS là sự kết hợp nhiều biện pháp để làm giảm sự đau khổ và cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh thông qua sự phòng ngừa, phát hiện sớm và điều trị đau và những vấn đề tâm lý và thực thể khác, và cung cấp sự tư vấn và hỗ trợ tập trung vào những vấn đề xã hội và tâm linh mà bệnh nhân và gia đình đang phải gánh chịu. (Cụ nào ham tìm hiểu sâu có thể đọc thêm chi tiết trên
vinmec.com theo link sau
https://vinmec.com/.../nao-la-cham-soc-va-dieu-tri.../....).
Hình 1: Minh hoạ chăm sóc giảm nhẹ
Hình 2: Guideline phẫu thuật giảm nhẹ trong trường hợp ung thư xương đã di căn
Khái niệm “chăm sóc giảm nhẹ” (palliative care) bao gồm nhiều biện pháp trong đó có cả “phẫu thuật giảm nhẹ” (palliative surgery), đó là các phẫu thuật không mang tính triệt căn nữa mà nhằm giảm triệu chứng cho bệnh nhân, cải thiện chức năng để nang cao chất lượng cuộc sống. Ví dụ bệnh nhân ung thư thực quản không có khả năng cắt bỏ thì có thể mở thông dạ dày cho ăn hay bệnh nhân ung thư đại tràng không cắt bỏ được thì mở hậu môn nhân tạo tránh biến chứng tắc ruột. Và trong trường hợp khối u xương còn khả năng cắt bỏ, bảo tồn chi thì ở những bệnh nhân ung thư xương di căn phổi vẫn có chỉ định bảo tồn nhằm mục đích “giảm nhẹ”, giúp cho tinh thần bệnh nhân và gia đình tốt hơn, giúp cho khả năng đi lại vận động của bệnh nhân tốt hơn và do đó chất lượng cuộc sống được cải thiện. Có thể coi bệnh nhân ung thư và người thân như những chiến binh mà ở đó tinh thần đóng vai trò quan trọng, nếu tinh thần còn thì cuộc chiến còn mà nếu tinh thần mất thì không cách nào cứu chữa được nữa. Dẫu biết rằng cuộc chiến còn khó khăn nhưng mất tinh thần là mất tất cả do đó cải thiện tinh thần người bệnh là điều vô cùng quan trọng và người bác sĩ cần cố gắng bằng mọi cách để thực hiện, không chỉ bằng bàn tay và con dao phẫu thuật, bằng viên thuốc hay mũi tiêm mà còn bằng cả sự thấu cảm nữa.
Bảo tồn chi “palliative surgery” có ý nghĩa như vậy đó.
GS.TS Trần Trung Dũng